Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Phân Ưu và Tưởng Nhớ Cha Anrê Nguyễn Lộc Huệ

Trong niềm thương tiếc sâu xa về sự ra đi của

Lm Ân Sư Nguyễn Lộc Huệ

Toàn thể Lớp Sao Biển 68

Thành Kính Phân Ưu


Xin Thiên Chúa Nhân Lành, qua lời bầu cử của Mẹ Sao Biển, thương đón nhận Linh Hồn Anrê, Vị Ân Sư kính yêu, vào Thiên Đàng hưởng Phúc Trường Sinh.

Tin từ anh Văn Thôn, Đại Điền :
Kính tin quý anh em
- Sáng nay lúc 09 giờ 19-04 -Đức Cha Phaolo đã đến viếng -
10 giờ 30 19-04 Đức Cha Giuse đến từ đường đưa linh cửu Cha An Rê lên Nhà thờ Đại Điền
- Sáng mai lúc 09 giờ 20-04-2010 Anh em CSB Nhatrang sẽ tề tựu về GX Đại Điền hiệp dâng Thánh Lể tưởng niệm cầu nguyện cho Cha An rê
- Sáng thứ tư lúc 08 giờ ngày 21-04-2010 - Thánh lể đồng tế (Thánh lể an táng)
- An táng tại Nghĩa trang GX.Cây Vông (nằm kề bên Cha Giuse Nguyễn Hoàng Kim)
Kình mời anh em chia sẻ những hình ảnh tôi ghi lại.
Xem thêm hình Lễ Tưởng Niệm
Xem thêm hình Thánh Lễ An Táng

Email từ Nguyễn Thanh Hải :
Ngày mai AE 68 NHA TRANG SẼ MUA MỘT VÒNG HOA PHÚNG ĐIẾU CHO CHA HUỆ CÓ HÌNH ẢNH SẼ GỞI SAU. CHÚC SỨC KHỎE CẢ GIA ĐÌNH 68.


XƯA CẢ ĐÀN CON,
CHA LO TỪNG CÂY KIM SỢI CHỈ
NAY VỚI LÒNG THÀNH
CON XIN THẮP MỘT NÉN NHANG THƠM
(Thanh Kỳ)

Hình lễ : AESB NHA TRANG, SÀI GÒN, PHAN THIẾT, PHAN RANG TƯỞNG NIỆM CHA ANDRÉ HUỆ. LỚP 68 GỒM CÓ TRÍ, XINH, TIẾN (CHỢ MỚI), DŨNG, HẢI. CHÀO NGHEN. CÓ NHỚ TIẾN KHÔNG ?

Chuyện về cha Giáo An rê
Kim Ngân 59
Cây tốt sinh trái tốt.
Cách nay trên 100 năm, tại mảnh đất Hà Dừa, có một gia đình công giáo gồm hai ông bà Nguyễn Đậu và Nguyễn Thị Thắng. Hai ông bà sinh được 13 người con vừa trai vừa gái và được đặt tên theo thứ tự như sau:
BÚP- NỞ - BÔNG - HOA- TƯỜNG- THÌ – THẾ - HỨA – KIỆN – XỬ - HẦU – SAU – KHIÊM.
Bà Búp là chị cả lập gia đình sinh ra 11 người con. Trong số 11 người con này, lớn nhất là bà TẤN, tiếp theo là ông SỈ.
Bà TÂN lập gia đình sinh 8 người con. Người con thứ ba chính là Cha giáo AN RÊ NGUYỄN LỘC HUỆ (ở Việt Nam gọi là thứ tư). Người con thứ hai, chị của cha là bà TRÍ, chính là mẹ của cha NAM , csb 69.
Ông SĨ, em bà Tấn, chính là cha của linh mục TẠC.
Chính vì vậy, cha NAM gọi cha HUỆ bằng cậu ruột, gọi cha Tạc cũng bằng cậu.
Từ hai ông bà ĐẬU-THẮNG đến hiện tại, gia đình này đã sản sinh ra cho Giáo Hội 5 linh mục ( cha Tường, cha Thì, cha Huệ, cha Tạc, cha Nam), 9 nữ tu sĩ và 4 nam tu sĩ. (trích từ gia phả). Số CSB trong dòng họ này chưa tổng kết được.

Có phải là ý Chúa
Ngày Chúa nhật, 18 tháng 4 năm 2010, Ban đại diện CSB vùng Nha Trang họp tại Hà Dừa để bàn chuyện tổ chức họp mặt cho anh em CSB vào ngày lễ Chúa Chiên Lành. Anh em có ý kiến đưa chuyện hậu sự cho cha giáo ra bàn rất tỉ mỉ và bài bản bằng cách sẽ tổ chức lễ tưởng niệm cho cha giáo. Buổi sáng bàn việc tổ chức, phân công nhiệm vụ, buổi chiều lúc 18 giờ, cha giáo được Chúa gọi về. Anh em cứ thế mà tiến hành công việc, không cần họp hành nữa. Có thể đây là mô hình tổ chức đầu tiên và sẽ tiếp tục thực hiện sau này. Được biết ngày này, anh em CSB ở Cali cũng có cuộc họp mặt tại nhà Hoàng Diệu 59 ( Garden Grove ).

CSB đối với cha giáo.
Anh em CSB có hai anh em là Văn Thôn,CSB 60 và Ngọc Luân, CSB 73 nằm trong ban tổ chức lễ tang của giáo xứ Đại Điền, nên việc tiến hành tổ chức lễ tưởng niệm diễn ra dễ dàng suôn sẻ. Giờ tổ chức lể là do anh em quyết định và thông qua gia đình để sắp xếp giờ giấc. Số anh em CSB tham dự lễ tưởng niệm ( tăng và tục) là gần 50, trong đó kẻ viết bài này biết mặt gọi tên được là 45 người, số còn lại chưa rõ tên. Bốn mẹ bề trên tham dự, đó là các phu nhân của Hải 68 và Hải 74, Phước 74, Minh 74 (RIP) Một số khác bận nên đến kính viếng vào lúc khác và đến ngày thứ tư để dự lễ an táng. Nhiều anh em CSB đến ngày thứ ba và ngày thứ tư và đưa thi hài cha giáo đến nghĩa trang Cây Vông. Có anh em thắc mắc tại sao thiếu nhiều tăng CSB trong hình đã post. Xin thưa các tăng bận công việc, nên đến làm lễ vào giờ khác và rất đầy đủ vào ngày lễ an táng. Thánh lễ diễn ra liên tục từ chiều thứ hai đến sáng thứ tư. Nhiều đoàn giáo dân đến từ Phan Rang và Lương Sơn, nơi cha giáo từng phục vụ.
Một đám tang tại Nha Trang thường có mời một đội kèn. Đám tang cha giáo có hai đội kèn được mời : Đội kèn Hà Dừa và Đội kèn Thanh Hải.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Nhạc Trung Hoa - YouTube Selection, Trần Văn Đông

Bác nào thích Nhạc Trung Hoa
với Tiếng Đàn Tranh và Tiếng Sáo thì mời xem.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Những Cánh Chim Tha Phương - Trần Văn Đông



PS : Bác Truyền thích con chim nào thì cứ việc bắt mà nhốt vào lồng nghe!

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Vườn chim bác Truyền - by Trần Văn Đông

Nè các bác, Tết thì hết rồi mà Xuân thì mới bắt đầu thôi phải không? Vậy mời các bác cùng tớ du xuân cho vui, hái lộc và nhất là tìm mua chim tặng cho bác Truyền nhé.
Bấm vào đây để xem Vườn chim của bác Truyền

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Chiều nhớ về trường cũ - Thơ, Thanh Huệ

To appreciate Thanh Kỳ
*****Chiều ở đây...
Chiều nhớ về trường cũ

Ở đây nắng chiều buông trễ
Gió vướng trên ngọn thông,
Chóp biệt thự cao xiết,
Dập dìu xe cộ
Mang nặng ngày dài
Thiếu sóng biển vỗ về bờ san hô vắng
Chỉ nghe tiếng sóng Ngũ Đại Hồ,
Ba mươi năm thân xa xứ
Nhớ bạn hiền
và giờ dạo hàng dương

Ta nhớ Sao Biển xưa
Nhớ giờ kinh chiều, bữa ăn kham khổ
Sương biển thấm mảnh áo trắng đời tu,
Nhớ tiếng chuông leng keng đỗ
Con dâng hồn con nơi Chúa
"Chúa gìn giữ con yên hàn trong đêm nay"
Im lặng tràn về
Nghe thì thào rặng dương già thỏ thẻ
Tâm niệm ngày qua
Khắc ghi tâm khảm hoài vọng ân sư
Mong tương lai làm châm ngôn phục vụ

Ta nhớ Sao Biển xưa
Cách mộc mạc
Nghèo nàn mà thanh tịnh
Sân chơi đất, trái bóng ấy tình thân
Miếng cơm cháy
Giòn thơm tình đồng môn tương đắc
.......
Ký ức mái trường yêu
Vụn vỡ như bão chiều cuốn cỏ hoang
Làn sóng cạn xẻ tan chùm rong biển
Xóa nhòa dấu cát, người ở người đi

Ta nhớ Sao Biển xưa
Tương tư bóng dừa cao, khơi trống vắng nghẹn ngào
Giếng nước mát
Phai nhòa kỷ niệm xanh
Nắng chiều tan, nữa đời quên lãng
Thầm ước nguyện
Mặt hồ lặng sóng nên gương mới
Để ta tìm lại
Ngày tháng dưới trường xưa

Góc phương trời xa, chút thân tình níu kéo
Tường vôi rêu mốc ánh mắt bạn hiền
Gởi gió trao mây tháng ngày còn lại
Trách chiều vội vã gây tiếng thở dài
Michigan, April 2010
Thanh Huệ

Thông báo v/v Phát hành TTSB 2010

Kinh quí anh em
TTSB 2010 sẽ phát hành vào tháng 6 năm 2010, nhóm thực hiện TTSB rất mong nhận được bài viết của anh cho kỳ phát hành này.
Qui anh có thể viết dưới nhiều hình thức triết thần, hồi ký, bút ký, ký ức, thơ văn, nhạc kịch, chuyện ngắn, vui cười... Và những sinh họat của anh em trong lớp, trong vùng mà anh em ghi nhận được.
Chủ đề : tự do. Tuy nhiên nhóm thực hiện rất mong qui anh em có những bài về giáo dục, hướng nghiệp cho giới trẻ, nhất là cho con em chúng ta.
Thành thật cám ơn quí anh.
(hạn chót nhận bài 30/4/2010)
TM Nhóm thực hiện TTSB 2010
Nguyễn Văn + Công Khanh

PS: TTSB 2010 sẽ đăng những bài mà quí anh em gởi trực tiếp về nhóm thực hiện
nguyenvansb@gmail.com (dt 0903763836) hoặc congkhanh05@gmail.com (0913915943).

Chậu cá cảnh của Nguyễn Thanh Huệ

Chậu cá cảnh của Nguyễn Thanh Huệ

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA 9-4-2010

Thưa anh chị em,
Trong khung cảnh tuần bát nhật Lễ Phục Sinh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiến hành Hội Nghị thường niên kỳ I - 2010 từ ngày 5 đến ngày 9 - 4 - 2010 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu, với sự hiện diện của các giám mục thuộc 26 giáo phận. Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục Cần Thơ, và Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, tổng giám mục Hà Nội, không thể có mặt vì lý do sức khoẻ. Hiệp thông trong niềm tin cậy mến, chúng tôi xin gửi đến tất cả anh chị em lời chào thân ái và lời chúc bình an của Chúa Kitô Phục Sinh.

Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận tông toà đầu tiên Đàng Ngoài và Đàng Trong, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Do đó, chúng tôi tập trung vào việc cử hành và sống Năm Thánh 2010. Năm Thánh đã được khai mạc cách trọng thể tại Sở Kiện, quy tụ tất cả các giám mục của 26 giáo phận, gần 1.000 linh mục, hơn 2.000 tu sĩ và khoảng 120.000 giáo dân. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các vị hồng y, giám mục đến từ Rôma và các quốc gia khác, đại diện chính quyền các cấp cũng như đại diện các tôn giáo bạn và các toà đại sứ. Mọi người đều nhìn nhận rằng Lễ Khai Mạc đã được tổ chức thật quy mô và trang trọng, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng người, cách riêng là những người trực tiếp tham dự ngày lễ này. Cùng với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng tôi muốn nói lên lời cảm ơn chân thành đối với giáo tỉnh Hà Nội, đã nhiệt tâm và tận tụy tổ chức ngày lễ trọng đại này cách thành công tốt đẹp. Ước mong tâm tình tạ ơn, sám hối, canh tân và hoà giải đã được đề cao trong ngày Lễ Khai Mạc, sẽ tiếp tục được vun trồng và phát triển trong đời sống chúng ta.

Cùng với việc nhìn lại ngày Lễ Khai Mạc, chúng tôi đã dành nhiều thời giờ cho Đại hội Dân Chúa, sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến 26 -11 - 2010. Đại hội sẽ quy tụ các đại diện của hàng linh mục cũng như tu sĩ và giáo dân đến từ 26 giáo phận trên cả nước. Các vị đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sẽ cùng với Hội Đồng Giám Mục cầu nguyện, suy nghĩ và trao đổi nhằm nhận diện những thuận lợi và thách đố cho Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại, đề ra những hướng đi mục vụ thích hợp trong giai đoạn tới, mong xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn là Giáo Hội của Chúa Kitô ở giữa dân tộc của mình. Ngoài ra, ngay từ bây giờ, chúng tôi cũng đã quan tâm đến Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010. Đây sẽ là cuộc hành hương lớn của Dân Chúa về Linh Địa La Vang, để cùng với Đức Mẹ, cất cao lời kinh Ngợi Khen, và theo gương Mẹ, vội vã lên đường loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu cho anh chị em đồng bào đang cùng chung sống trên đất nước này.

Dù Lễ Khai Mạc được tổ chức tại giáo tỉnh Hà Nội, Đại hội Dân Chúa tại giáo tỉnh Sàigòn hay Lễ Bế Mạc tại giáo tỉnh Huế, tất cả đều là công việc chung của cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi xin anh chị em tích cực tham gia bằng lời cầu nguyện, bằng những góp ý chân thành và bằng cả sự trợ giúp vật chất theo khả năng của mình. Tất cả đều nhằm mục đích xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội vốn là mục tiêu hàng đầu trong Năm Thánh này.

Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam cũng trùng với Năm Linh Mục của Giáo Hội hoàn vũ. Ngay từ ngày khai mạc Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao thánh Gioan Maria Vianney như gương mẫu sống động cho các linh mục, và như thế, ngài tha thiết mời gọi các linh mục phải nên thánh. Linh mục phải thực sự là người của Chúa và thuộc về Chúa thì mới có thể đem Tin Mừng và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội Việt Nam tạ ơn Chúa vì ơn gọi linh mục vẫn gia tăng, nhưng đồng thời cần quan tâm đến việc đào tạo linh mục để các linh mục thực sự trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Vì thế, trong Năm Linh Mục này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định phê chuẩn bản Đào tạo linh mục: định hướng và chỉ dẫn, nhằm hướng dẫn việc đào tạo toàn diện và xuyên suốt qua các giai đoạn: chuẩn bị vào đại chủng viện, tại đại chủng viện và sau khi đã chịu chức linh mục.

Cũng trong ý hướng đó, ngoài các cuộc tĩnh tâm và thường huấn, cả ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn đều đã và sẽ tổ chức những cuộc hội ngộ linh mục trong giáo tỉnh, tạo điều kiện cho các linh mục gặp gỡ nhau, thắt chặt tình hiệp thông huynh đệ, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống và tác vụ linh mục. Ngoài ra, các linh mục, đặc biệt là các vị già yếu và đau bệnh, rất cần sự nâng đỡ của chúng ta về tinh thần cũng như vật chất. Vì thế, chúng tôi tha thiết xin anh chị em tiếp tục chuyên cần cầu nguyện cho các linh mục và tích cực cộng tác, hỗ trợ các ngài trong công tác mục vụ, để các ngài có thể chu toàn sứ mạng cao cả nhưng cũng không ít khó khăn.

Chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông. Được sử dụng cách đúng đắn, những phương tiện truyền thông hiện đại sẽ là những nhịp cầu của hiệp thông, yêu thương và liên đới. Tuy nhiên, những phương tiện này cũng có thể bị lạm dụng để gây chia rẽ, bất hoà và bất ổn. Trong những ngày gần đây, qua một số phương tiện truyền thông, chúng ta biết rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói riêng và Giáo Hội nói chung đã phải chịu những lời phê phán cách bất công. Giáo Hội của Chúa ở khắp nơi cũng như trên quê hương đất nước chúng ta vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, Tin Mừng Phục Sinh khẳng định với chúng ta rằng trên hành trình loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội, Chúa Kitô luôn đồng hành với chúng ta, dù nhiều khi ta không nhận ra Người. Người đồng hành với ta cách đặc biệt trong Lời của Người và trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy chuyên cần lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Đó là phương thế vững chắc giúp ta thắp sáng hi vọng và mạnh bước trên đường loan báo Tin Mừng cứu độ, khiêm tốn phục vụ sự sống và sự phát triển toàn diện con người cũng như xã hội.

Họp nhau tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, chúng tôi không thể không nhớ đến hình ảnh các thánh tông đồ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly, có Mẹ Maria ở với các ngài, cùng đợi chờ Thánh Thần được ban xuống. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, chúng tôi cầu xin ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, để trong ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần, Giáo Hội Việt Nam biết khôn ngoan và hăng hái thi hành sứ mạng Chúa đã trao cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại.

Làm tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, ngày 9 tháng 4 năm 2010

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Ngồi trước Trường cũ - Thanh Kỳ

Bác Đông mến,
Chắc bác đã đọc tin buồn mình báo cho cả lớp về việc dì vợ bác Hải ecorce qua đời. Bà cụ là mẹ ruột chú Túc 72 hiện sống ở Cần Thơ ( mình có gặp đi uống café vài lần ) và là chị của một anh nào đó trên lớp mình ( có thông báo trên googlegroup cuusaobien đó ). Hay là bác làm cái cáo phó trên blog để chia buồn với bác ấy? Bác Hải hẹn sáng mai khi xuống phà qua Cần Thơ sẽ điện để mình ra gặp mặt bác ấy. Thật tiếc khi anh em, sau bao năm xa cách, lại gặp gỡ trong hoàn cảnh gấp gáp, không vui thế này.

Nhân tiện, mình gởi bác tấm hình minh họa cho bài Chiều ngồi bên trường cũ nhé. Còn đây là link vài tấm khác mình đã post lên picasaweb : Xem Thêm Hình
Chúc bác luôn vui khỏe.
Thanh Kỳ

Riêng với bác Kỳ :
Cám ơn bác rất nhiều trong việc nhanh chóng gởi thông tin cho lớp. Chúc bác luôn khỏe mạnh. Gặp bác Hải cho anh em gởi lời thăm thật nhiều nhé. Hai bác chịu khó dành thêm chút thời giờ tâm sự và chia sẻ lại với lớp nghen!
Thân mến,
Đông

Báo Tin Buồn - Thanh Kỳ

Các bạn csb68 mến,
Dì vợ bác Hải ecorce vừa qua đời ở Rạch Giá. Mình vừa nhận được điện của bác ấy chiều nay, báo tin sáng mai sẽ xuống miền Tây này cùng gia đình để đem hài cốt dì vợ về quê an táng. Xin báo cho các bạn biết để chia buồn cùng bác ấy.
Mến
Thanh Kỳ

Thành Kính Phân Ưu
Gia Đình SB68 xin chân thành chia buồn
cùng Hải và Mỹ Lan về sự ra đi của dì Ysave.
Nguyện Chúa nhân từ thương đón nhận
Linh hồn tôi tớ vào chốn trường sinh.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Chiều ngồi bên trường cũ - Thơ, Thanh Kỳ

Chiều ngồi bên trường cũ

Buổi chiều ở đây vẫn thế
Gió hát trên ngọn dương
trên tóc dừa tha thướt
Biển bâng quơ nhả
từng âm đục trầm
Chỉ vắng tiếng cười lăn tròn trên cát ấm
tiếng cười tung tóe trên ngọn sóng
của đám trai trẻ đi tu
Vắng tiếng cười,
chiều lơ mơ ngái ngủ.

Tôi ngồi nhìn ra biển
Sau lưng tôi là ngôi trường dòng cũ
đã nửa đời cứ vẫy gọi trong mơ
Những ngày miệt mài sách vở
Những đêm sang sảng kinh cầu
Có bữa cơm rau nhưng mặn mà tình bạn
Có tháng mưa dầm
thau giặt sờ như ngâm cả mùa đông.
Rộn rã giờ chơi
Nỗi háo hức chao theo đường bóng lượn
Chiều căng tiếng cười khấp khởi bay lên

Tôi ngồi nhìn ra biển
Quay lưng lại
cánh cổng trường im ỉm
sân chơi cỏ dày, ngói lệch, tường rêu
Không dám nhìn
nỗi buồn trào ra từ ô kính vỡ,
cái đầu hồi nham nhở
nơi bầy sẻ hay lít rít nô đùa
Cây phượng già cuối mùa chưa nhốt lửa
thả xuống sân đỏ buốt đốm ưu phiền

Tôi ngồi nhìn ra biển
Bãi san hô này tôi thường mải mê bắt cá
Tít ngoài kia
nơi tôi từng chết hụt
khi lần đầu chập chững bơi xa
Tôi ngồi nhìn
kỷ niệm dập dềnh như rong biển
Vớt nhánh rong lên
sao ướt sũng ngậm ngùi

Chút êm đềm xưa tôi giấu trong ngực áo
chợt héo bên thềm chốn cũ tàn phai
Sóng cứ nhỏ to vui buồn thuở ấy
để chiều trôi nghiêng như tiếng thở dài
Thanh Kỳ
Bên gốc phượng già trong sân trường cũ

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Phục Sinh 'hết hồn hết vía', 'ớn lạnh' và 'sợ điện giật' - Trần Văn Đông chuyển tiếp từ Email của GHHV Pius X Đà Lạt

Theo nghĩa rộng, áp dụng cho mọi tôn giáo, thần nghiệm học hay huyền nhiệm học (mysticism) là việc tìm kiếm hiệp thông, đồng hóa với hay ý thức được thực tại tối hậu, thần tính, chân lý thiêng liêng hay Thiên Chúa qua kinh nghiệm trực tiếp, trực giác, bản năng hay quán niệm (insight). Kinh nghiệm này được các tôn giáo diễn tả nhiều cách khác nhau: trở thành không và bị thu hút hoàn toàn vào ánh sáng vô biên của Thiên Chúa (Trường phái Hassidic trong Do Thái Giáo); hoàn toàn không còn phân biệt với thế giới (một số trường phái Ấn Giáo, trong đó có Yoga; trường phái Jhana trong Phật Giáo); thoát khỏi vòng nghiệp (karma) (Giải Thoát trong Ấn Giáo, Niết Bàn trong Phật Giáo); nối kết nội tại sâu xa với thế giới (Ngộ trong Phật Giáo Đại Thừa), kết hợp với Thiên Chúa (Henosis trong thuyết Tân Platông), thành thần (theosis) hay kết hợp với Thiên Chúa và tham dự vào bản tính của Người (Công Giáo, Chính Thống Đông Phương), thấy Ánh Sáng hay “ánh sáng Thiên Chúa” trong mọi người (Quaker)…

Diễn trình huyền nhiệm
Evelyn Underhill, một tác giả người Anh theo phái Công Giáo trong Anh Giáo, vào năm 1911, đã xuất bản cuốn sách thời danh “Mysticism” trong đó, bà phác họa diễn trình chung cho mọi kinh nghiệm huyền nhiệm qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nhận thức (awakening), ý thức được thực tại tuyệt đối hay thần linh. Giai đoạn thứ hai là tẩy rửa (purgation) tức ý thức được sự bất toàn và hữu hạn của mình, do đó tự kỷ luật chính mình và sống nhiệm nhặt. Giai đoạn thứ ba là thông sáng (illumination) là ngộ, mà một số nhà huyền nhiệm cho là giai đoạn chót, trong đó, người ta ý thức được một cõi siêu việt, một trời mới đất mới. Tuy nhiên nhiều nhà huyền nhiệm vĩ đại còn tiến xa hơn nữa qua giai đoạn thứ tư, được Thánh Gioan Thánh Giá của Kitô Giáo mô tả là đêm đen của linh hồn, giai đoạn chót linh hồn được hoàn toàn thanh tẩy, đánh dấu bằng bối rối, bất lực, mắc cạn trong ý chí và cảm nhận như Thiên Chúa rời bỏ mình. Đây là giai đoạn chót của việc từ bỏ mình (unselfing) và phó mặc cho các mục tiêu dấu ẩn của Thiên Chúa. Giai đoạn thứ năm dĩ nhiên là nên một với đối tượng yêu thương, với Thực Tại Duy Nhất, với Thiên Chúa.

William Inge, tác giả cuốn Christian Mysticism (1899, Bampton Lectures), tóm tắt diễn trình trên thành 3 giai đoạn: giai đoạn tẩy rửa hay khổ hạnh (ascetic), giai đoạn thông sáng hay chiêm niệm và giai đoạn kết hợp nên một trong đó ta thấy Chúa mặt đối mặt. Trong Kitô Giáo, huyền nhiệm học cũng xưa như chính tôn giáo này. Ít nhất cũng có 3 bản văn Tân Ước đề cập tới các chủ đề sau này được các nhà huyền nhiệm Kitô Giáo nhắc tới nhắc lui.

Bản văn đầu tiên là thư Galát 2:20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Một bản văn thánh kinh quan trọng khác đối với huyền nhiệm học Kitô giáo là Thư thứ nhất của Thánh Gioan chương 3, câu 2: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Bản văn thánh kinh thứ ba, đặc biệt quan trọng đối với các Kitô hữu Phương Đông là Thư thứ hai của Thánh Phêrô, chương 1 câu 4: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.

Hai chủ đề chính trong huyền nhiệm học của Kitô giáo là (1) hoàn toàn đồng hóa với hay hoàn toàn bắt chước (imitation) Chúa Kitô để đạt tới sự hợp nhất giữa tinh thần nhân bản và tinh thần Thiên Chúa; và (2) thị kiến Thiên Chúa một cách hoàn hảo, trong đó, nhà huyền nhiệm cảm nhận được Người “như chính thật là Người” (as he is) chứ không “như qua một tấm gương mờ” theo lời Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 13, câu 12: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”. Các kinh nghiệm huyền nhiệm khác cũng được Thánh Phaolô mô tả trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, chương 12, các câu 2-4: “Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết-, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.  Như thế, rõ ràng Thánh Phaolô đã sử dụng tới cảm nghiệm “ngoài thân xác” để mô tả kinh nghiệm huyền nhiệm, mà nhiều người cho là chính ngài đã có được, dù ở đây ngài khiêm tốn viết ở ngôi thứ ba. Theo đó, ngài đã được nâng lên tầng trời thứ ba để cảm nghiệm “những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Một kinh nghiệm tương tự hình như cũng xẩy ra trong trình thuật Chúa Hiển Dung, một biến cố được cả 4 Phúc Âm cùng nhắc tới. Trong biến cố này, Chúa Giêsu dẫn 3 trong số các môn đệ của mình là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên đỉnh một ngọn núi cao, ở đấy Người đã hiển dung. Mặt Người sáng láng như mặt trời, áo Người một mầu trắng xóa. Êlia và Môsê xuất hiện với Chúa Giêsu, trò truyện với Người, rồi một đám mây sáng xuất hiện trên đầu và một giọng nói từ đó phán ra: “Này là Con Ta yêu dấu: hãy nghe lời Người”…Phêrô ngây ngất đến mê sảng, nói một câu như người mất hồn: ở đây tốt quá, nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba căn nhà… Có thể ông không biết ông muốn nói gì. Thật khác với Phaolô, thấy được những điều “khôn tả”, chả dám nói gì ngoài cái ngây ngất được nâng lên tầng trời thứ ba.

Có người cho rằng thái độ của Thánh Phaolô cũng là thái độ của Thánh Tôma Tiến Sĩ sau này. Cả hai vị thánh cùng để lại một gia tài trí thức và thần học vĩ đại mà hậu thế khai thác hoài không thấu, và cùng giống nhau vì có lúc cảm nhận được những điều “khôn tả”. Chỉ khác một điều, Thánh Phaolô hình như được nâng lên tầng trời thứ ba rất sớm và điều ấy không làm ngài chùn bước ra đi tới tận chân trời góc biển để rao giảng về Chúa Phục Sinh. Thánh Tôma, trái lại, hình như cũng được nâng lên tầng trời thứ ba như thế, nhưng vào lúc cuối đời và khi được thấy nhiều điều “khôn tả” với cường độ diệu kỳ hơn sao đó vào ngày 6 tháng 12 năm 1273 đến nỗi sau đó thấy mọi điều mình viết ra trước đó chỉ như rơm rác mihi videtur ut palea! Do đó, đã nhất định không còn đọc cho người thư ký Reginald de Piperno viết tiếp bộ Summa bất hủ… cho đến ngày qua đời vào năm 1274.

Máccô “hết hồn hết vía”

Phòng Xem Video Và Chiếu Phim Cuối Tuần

Danh Mục Phim và Video
Video Cựu Sao Biển Vol 1 Video Cựu Sao Biển Vol 2 Hoàn Châu Cát Cát Phim Nhật, Hàn Quốc, Trung Hoa Người Nữ Tu Hát Thánh Ca Cải Lương

Truyền Thanh, Truyền Hình Trực Tuyến - Live Online TV
FRANCE 24 BBC News Night CNN Breaking News BBC Vietnamese

Visits since January 23, 2010 :
Free Hit Counter