Trường Xưa
Tùy bút
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên)
Rất nhiều người phải lòng câu thơ trên của thi sĩ họ Chế vì cảm nhận tinh tế của nó. Cái đã thổi hồn vào cho đất, theo tôi, chính là kỷ niệm – những kỷ niệm ngọt ngào. Cũng chẳng cần gì to tát đâu. Nói như Đỗ Trung Quân, những cái cỏn con như một "chùm khế ngọt", một "con diều biếc", lắm khi cứ đong đưa chao lượn trong ta, điểm thêm nét duyên, dặm thêm màu nhớ cho những bến bờ bỏ lại sau lưng.
Tôi cũng có một nơi như thế trong lòng mình: một ngôi trường dòng nằm sát biển, nơi đào tạo các linh mục tương lai. Khoảng thời gian tôi sống ở đó không nhiều nhặn gì so với quãng đời đi học: vẻn vẹn bốn năm. Nhưng bốn năm ấy, bây giờ nhìn lại, là quãng đời trong trẻo nhất, hạnh phúc nhất của tôi. Nó khiến ngôi trường dòng xa vời trong ký ức, cùng tiếng sóng biển, cứ triền miên vỗ vào tôi những nhung nhớ bồi hồi.
Buồn cười là những chuyện tôi nhớ không có tí gì ngọt ngào, mà rặt những trò nghịch phá trẻ con. Nơi tôi bày trò nhiều nhất là trạm xá nhà dòng. Vào thời của tôi, nơi ấy do cố Nédelec trông coi. Điều kiện nhập viện của cha là thân nhiệt phải từ 38° trở lên. Tôi nghĩ ra một cách để qua ải đó: lừa lúc cha bận chăm sóc những con bệnh khác, tôi rút phắt ống nhiệt kế dưới nách ra, vẩy mạnh vài cái cho cột thủy ngân vọt lên, rồi kẹp nó vào chỗ cũ. Có lần tôi vẩy quá mạnh tay, nhiệt kế chỉ đến 39°, làm cha hoảng vía, xua tôi đến cái giường bệnh gần đó, lấy mền trùm tôi kín mít, rồi sai bạn khác lên nhà ngủ thu dọn mùng mền đem xuống cho tôi ! Sau này, tôi cải tiến phương pháp của mình: thay vì vẩy, tôi dốc ngược nhiệt kế, gõ nhẹ lên lòng bàn tay. Cột thủy ngân sẽ nhích lên từ từ: muốn sốt ở mức nào cũng được ! Cộng với một bộ dạng thiểu não và gương mặt sắp chết đến nơi, lần nào tôi cũng đạt chuẩn để nhập viện. Tây nói "Practice makes perfect" thật không sai !
Tôi vốn lười học, nên cứ đôi ba tháng lại giả bệnh để nằm khoèo chơi. Khỏi phải dậy sớm đi lễ, khỏi phải ngồi ê mông trên lớp, khỏi nặng đầu với mớ chữ Latinh quái quỷ. Cả ngày chỉ nằm ườn đọc truyện tranh Tintin mượn bên thư viện. Ngoại trừ điều phiền toái duy nhất là mỗi ngày phải diễn màn kịch sốt vào giờ thăm bệnh hai buổi sáng chiều, và lén vứt nắm thuốc uống vào cầu tiêu, thì cái trạm xá là chốn cực lạc trong con mắt tôi thuở ấy – một cõi tiên thực sự, xa lìa khổ lụy trần gian...
Ngặt một nỗi, đôi khi tiên cũng muốn nếm lạc thú cõi trần. Truyện cổ tích thường kể vậy; mà tôi cũng từng lâm cảnh ấy. Có một năm, vào cuối học kỳ, tôi đang tiêu dao hưởng phúc ở cõi tiên của mình, thì được tin tối hôm ấy nhà dòng tổ chức chiếu phim cho anh em chủng sinh giải trí. Không phải chuyện bình thường đâu nhé, một sự kiện văn hóa lớn đấy, xuân thu nhị kỳ là nhiều lắm rồi. Hơn nữa, phim chiếu hôm đó là Benhur, bộ phim đang nổi đình nổi đám vào thời ấy. Tôi tự nhủ không thể bỏ qua niềm vui hiếm có này. Thế là vào cữ thăm bệnh buổi chiều, tôi không giở trò phù phép thường ngày, và thân nhiệt của tôi bình yên như mặt nước hồ thu (tất nhiên rồi!). Cha Nédelec khen tình trạng sức khỏe của tôi! Vin vào cớ ấy, tôi ỉ ôi xin phép đi xem phim. Ai dè cha không thuận, nói tôi mới khỏe, cần nghỉ ngơi nhiều. Ôi thôi mưu sự bất thành! Làm sao đây? Tôi không tài nào cưỡng lại nỗi cám dỗ lớn lao đến vậy. Có chết cũng phải đớp trái cấm này! Tôi biết sau giờ cơm tối, đấng cai quản thiên đường của tôi thường đến phòng cố Gervier, cha giám học, trò chuyện tâm sự đến khuya mới đảo về, kiểm tra sơ trạm xá trước khi đi ngủ. Nên khi phim bắt đầu chiếu ở nhà chơi có mái gần đấy, tôi chạy vù qua xem. Gần hết phim, tôi ù té chạy về, nghĩ bụng chắc cha còn ở phòng cha giám học. Nào ngờ, quá rành tật ươn bướng của tôi, cha đã về từ lâu để soát phòng, và đang bừng bừng thịnh nộ đứng chờ tôi ngoài hành lang trạm xá. Hậu quả chắc ai cũng đoán ra: tôi lãnh mấy cái bạt tai nổ đom đóm mắt.
Nơi thứ hai tôi thường nhớ đến là cái nhà nguyện nhỏ nép mình dưới rặng dương bốn mùa vi vu trong gió. Buổi lễ sáng, nắng sớm xiên qua những ô vuông thông gió, nhảy múa xôn xao trên vách, cứ hút chặt ánh mắt trẻ thơ tôi. Cái nhà nguyện nhỏ ấy – lao xao nắng gió, bồng bềnh trên tiếng sóng và lời kinh cầu – suốt đời lấp lánh trong tim tôi như một báu vật đánh rơi. Ấy thế nhưng cả nơi đó cũng có những trò nghịch của tôi. Đàng sau cung thánh là một dãy bàn thờ nhỏ dành cho các cha làm lễ riêng hàng ngày. Bọn chú nhỏ chúng tôi được cắt phiên giúp lễ cho các cha. Điều gay nhất là thời ấy các cố Tây làm lễ bằng tiếng Latinh. Bọn tôi phải học thuộc lòng những câu đáp lễ chứ chẳng hiểu mô tê gì cả – cứ như vịt nghe sấm. Có lần tôi giúp lễ cho một cố Tây, quỳ đàng sau đọc ngắc ngứ chẳng ra làm sao nên cố nổi giận, thọc chân đạp hậu một phát làm tôi ngã lăn quay. Lồm cồm quỳ vào chỗ để tiếp tục giúp lễ, nhưng trong bụng tôi căm lắm, nghĩ cách trả thù. Từ đó về sau, mỗi lần tới lượt giúp lễ cho cố, lúc chuẩn bị đồ lễ, tôi ngốn một vốc bánh lễ dự trữ của cố, cho cố... mau tàn mạt!
Ở ngôi trường dòng ấy còn vô vàn những câu chuyện, những gương mặt mà tôi nhớ. Đôi khi chỉ là một câu nói. Như cái lần cha giám học Gervier vào lớp tôi trong giờ étude. Cha vui miệng hỏi, đố các con ai biết ở Việt Nam nơi nào có mưa nhiều nhất, và lượng mưa trung bình là bao nhiêu. Anh nào anh nấy ngồi đực mặt ra như ngỗng ỉa. Trời ạ, có học sử, địa Việt Nam đâu mà biết; sách giáo khoa bê nguyên bên Pháp về mà! Cha xị mặt nói, trong chương trình học không có môn ấy, nhưng các con là người Việt, phải tìm hiểu để biết và yêu quê hương mình chứ. Câu nói ấy theo tôi đến tận bây giờ. Còn cố Quang, tôi nhớ tôi đã khóc ngày tiễn cố ra nơi yên nghỉ. Khóc vì phục một gương sống đẹp chứ nào có quan hệ thâm tình gì. Ngày tôi vào dòng, cố đã lọm khọm lắm rồi, không còn dạy học nữa. Nghe kể, sang Pháp điều trị, khi bệnh tình không còn hy vọng nữa, cố một mực đòi về chết ở Việt Nam, nơi cố đã gắn bó gần trọn cuộc đời. Cố có một cây đa bonsai đẹp cực. Giờ càng nghĩ càng thấy cố giống nó. Đâu phải chỉ cây cao mới có bóng cả.
Cái số tôi lang bạt, học hành nhảy cóc mỗi năm một chỗ. Ngoại trừ bốn năm ở mái trường tiểu học đã mất tăm trong ký ức, ngôi trường dòng này là nơi tôi trụ lâu dài nhất. Và dễ hiểu, cũng là nơi đã hình thành nhân cách của tôi. Lưu lạc tha phương, đôi khi thấy người ta xúm xít hội này đoàn nọ, bỗng thấy mình như cái cây chổng chơ gốc rễ. Thèm làm sao một chút hơi hướm ngày xưa để bám vào!
Cũng may còn có những kỷ niệm ở ngôi trường dòng của tôi để bám vào. Xin cám ơn trường cũ.
T. K.