Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Phục Sinh 'hết hồn hết vía', 'ớn lạnh' và 'sợ điện giật' - Trần Văn Đông chuyển tiếp từ Email của GHHV Pius X Đà Lạt

Theo nghĩa rộng, áp dụng cho mọi tôn giáo, thần nghiệm học hay huyền nhiệm học (mysticism) là việc tìm kiếm hiệp thông, đồng hóa với hay ý thức được thực tại tối hậu, thần tính, chân lý thiêng liêng hay Thiên Chúa qua kinh nghiệm trực tiếp, trực giác, bản năng hay quán niệm (insight). Kinh nghiệm này được các tôn giáo diễn tả nhiều cách khác nhau: trở thành không và bị thu hút hoàn toàn vào ánh sáng vô biên của Thiên Chúa (Trường phái Hassidic trong Do Thái Giáo); hoàn toàn không còn phân biệt với thế giới (một số trường phái Ấn Giáo, trong đó có Yoga; trường phái Jhana trong Phật Giáo); thoát khỏi vòng nghiệp (karma) (Giải Thoát trong Ấn Giáo, Niết Bàn trong Phật Giáo); nối kết nội tại sâu xa với thế giới (Ngộ trong Phật Giáo Đại Thừa), kết hợp với Thiên Chúa (Henosis trong thuyết Tân Platông), thành thần (theosis) hay kết hợp với Thiên Chúa và tham dự vào bản tính của Người (Công Giáo, Chính Thống Đông Phương), thấy Ánh Sáng hay “ánh sáng Thiên Chúa” trong mọi người (Quaker)…

Diễn trình huyền nhiệm
Evelyn Underhill, một tác giả người Anh theo phái Công Giáo trong Anh Giáo, vào năm 1911, đã xuất bản cuốn sách thời danh “Mysticism” trong đó, bà phác họa diễn trình chung cho mọi kinh nghiệm huyền nhiệm qua 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nhận thức (awakening), ý thức được thực tại tuyệt đối hay thần linh. Giai đoạn thứ hai là tẩy rửa (purgation) tức ý thức được sự bất toàn và hữu hạn của mình, do đó tự kỷ luật chính mình và sống nhiệm nhặt. Giai đoạn thứ ba là thông sáng (illumination) là ngộ, mà một số nhà huyền nhiệm cho là giai đoạn chót, trong đó, người ta ý thức được một cõi siêu việt, một trời mới đất mới. Tuy nhiên nhiều nhà huyền nhiệm vĩ đại còn tiến xa hơn nữa qua giai đoạn thứ tư, được Thánh Gioan Thánh Giá của Kitô Giáo mô tả là đêm đen của linh hồn, giai đoạn chót linh hồn được hoàn toàn thanh tẩy, đánh dấu bằng bối rối, bất lực, mắc cạn trong ý chí và cảm nhận như Thiên Chúa rời bỏ mình. Đây là giai đoạn chót của việc từ bỏ mình (unselfing) và phó mặc cho các mục tiêu dấu ẩn của Thiên Chúa. Giai đoạn thứ năm dĩ nhiên là nên một với đối tượng yêu thương, với Thực Tại Duy Nhất, với Thiên Chúa.

William Inge, tác giả cuốn Christian Mysticism (1899, Bampton Lectures), tóm tắt diễn trình trên thành 3 giai đoạn: giai đoạn tẩy rửa hay khổ hạnh (ascetic), giai đoạn thông sáng hay chiêm niệm và giai đoạn kết hợp nên một trong đó ta thấy Chúa mặt đối mặt. Trong Kitô Giáo, huyền nhiệm học cũng xưa như chính tôn giáo này. Ít nhất cũng có 3 bản văn Tân Ước đề cập tới các chủ đề sau này được các nhà huyền nhiệm Kitô Giáo nhắc tới nhắc lui.

Bản văn đầu tiên là thư Galát 2:20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Một bản văn thánh kinh quan trọng khác đối với huyền nhiệm học Kitô giáo là Thư thứ nhất của Thánh Gioan chương 3, câu 2: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Bản văn thánh kinh thứ ba, đặc biệt quan trọng đối với các Kitô hữu Phương Đông là Thư thứ hai của Thánh Phêrô, chương 1 câu 4: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.

Hai chủ đề chính trong huyền nhiệm học của Kitô giáo là (1) hoàn toàn đồng hóa với hay hoàn toàn bắt chước (imitation) Chúa Kitô để đạt tới sự hợp nhất giữa tinh thần nhân bản và tinh thần Thiên Chúa; và (2) thị kiến Thiên Chúa một cách hoàn hảo, trong đó, nhà huyền nhiệm cảm nhận được Người “như chính thật là Người” (as he is) chứ không “như qua một tấm gương mờ” theo lời Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 13, câu 12: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi”. Các kinh nghiệm huyền nhiệm khác cũng được Thánh Phaolô mô tả trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, chương 12, các câu 2-4: “Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết-, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.  Như thế, rõ ràng Thánh Phaolô đã sử dụng tới cảm nghiệm “ngoài thân xác” để mô tả kinh nghiệm huyền nhiệm, mà nhiều người cho là chính ngài đã có được, dù ở đây ngài khiêm tốn viết ở ngôi thứ ba. Theo đó, ngài đã được nâng lên tầng trời thứ ba để cảm nghiệm “những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Một kinh nghiệm tương tự hình như cũng xẩy ra trong trình thuật Chúa Hiển Dung, một biến cố được cả 4 Phúc Âm cùng nhắc tới. Trong biến cố này, Chúa Giêsu dẫn 3 trong số các môn đệ của mình là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên đỉnh một ngọn núi cao, ở đấy Người đã hiển dung. Mặt Người sáng láng như mặt trời, áo Người một mầu trắng xóa. Êlia và Môsê xuất hiện với Chúa Giêsu, trò truyện với Người, rồi một đám mây sáng xuất hiện trên đầu và một giọng nói từ đó phán ra: “Này là Con Ta yêu dấu: hãy nghe lời Người”…Phêrô ngây ngất đến mê sảng, nói một câu như người mất hồn: ở đây tốt quá, nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba căn nhà… Có thể ông không biết ông muốn nói gì. Thật khác với Phaolô, thấy được những điều “khôn tả”, chả dám nói gì ngoài cái ngây ngất được nâng lên tầng trời thứ ba.

Có người cho rằng thái độ của Thánh Phaolô cũng là thái độ của Thánh Tôma Tiến Sĩ sau này. Cả hai vị thánh cùng để lại một gia tài trí thức và thần học vĩ đại mà hậu thế khai thác hoài không thấu, và cùng giống nhau vì có lúc cảm nhận được những điều “khôn tả”. Chỉ khác một điều, Thánh Phaolô hình như được nâng lên tầng trời thứ ba rất sớm và điều ấy không làm ngài chùn bước ra đi tới tận chân trời góc biển để rao giảng về Chúa Phục Sinh. Thánh Tôma, trái lại, hình như cũng được nâng lên tầng trời thứ ba như thế, nhưng vào lúc cuối đời và khi được thấy nhiều điều “khôn tả” với cường độ diệu kỳ hơn sao đó vào ngày 6 tháng 12 năm 1273 đến nỗi sau đó thấy mọi điều mình viết ra trước đó chỉ như rơm rác mihi videtur ut palea! Do đó, đã nhất định không còn đọc cho người thư ký Reginald de Piperno viết tiếp bộ Summa bất hủ… cho đến ngày qua đời vào năm 1274.

Máccô “hết hồn hết vía”

Cảm nghiệm huyền nhiệm là như thế, nói ra chỉ là một việc bất đắc dĩ, dám làm kẻ phàm tục hiểu lầm tai hại. Thiển nghĩ các phúc âm gia cũng từng gặp khó khăn này. Không thuật lại thì không được mà thuật lại thì lúng túng, không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả một điều mà theo Thánh Phaolô “loài người không được phép nói lại”. Đúng ra, ngài muốn nói : loài người không nên nói lại vì sợ sai. Cụ thể là biến cố xẩy ra trong Ngôi Mộ Trống vào Ngày Phục Sinh. Mỗi phúc âm gia thuật lại một cách, tuy cùng xác nhận việc Chúa không còn trong mộ, đã sống lại như lời Người nói trước (xem Mt 28:1-8; Mc 16:1-8; Lc 24:1-7; Ga 20: 110). Thánh Luca và Thánh Gioan không nhấn mạnh tới phản ứng của các phụ nữ sau khi được chứng kiến ngôi mộ trống và được nghe thiên thần giải thích lý do tại sao ngôi mộ lại trống như thế. Nhưng Thánh Mátthêu và thánh Máccô thì thuật lại phản ứng ấy rất rõ. Thánh Mátthêu viết: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay”. Thánh Máccô cho biết nhiều chi tiết hơn nữa về phản ứng này: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi”.

Ai cũng thấy trình thuật của Thánh Mátthêu là trình thuật của một sử gia khách quan, lạnh lùng thuật lại điều người khác nói và đó là ngôn từ gián tiếp. Người ta vẫn tin ngài rút tư liệu từ Thánh Máccô. Dù Thánh Máccô không hẳn là người trực tiếp chứng kiến cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì thế, có nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng không hẳn Thánh Mátthêu là tác giả phúc âm mang tên ngài, nó là sản phẩm của cộng đồng được ngài hướng dẫn. Ngôn từ chính thức vẫn gọi đó là Phúc Âm Theo Thánh Mátthêu. Ý kiến chuyên môn vẫn coi Phúc Âm Máccô là phúc âm trước nhất, có thể chỉ sau nguồn Q mà thôi. Nói gì thì nói, điều hiển nhiên là Phúc Âm Máccô sử dụng ngôn từ trực tiếp y như thuật lại chính lời các phụ nữ nói về mình, những nhà huyền nhiệm nữ ngay từ hừng đông Kitô giáo. Vâng, họ chính là những nhà huyền nhiệm đầu hết của tôn giáo phục sinh, thuật lại những cảm nghiệm đầu hết, chưa từng thấy bao giờ, huyền nhiệm đến không biết phải nói làm sao, thà rằng câm nín như Tôma Tiến Sĩ sau này thì hơn. Nhưng câm nín làm sao cho được trước những nài nỉ của một người như Máccô, của cả một cộng đoàn những con người yêu Thầy hơn chính bản thân, nước mắt đầy nước mắt vơi ngong ngóng tin Thầy.

Thế là họ lên tiếng và “ngôn bất tận ý”, họ dùng những từ ngữ có thể chính họ cũng thấy là không ổn, cùng lắm chỉ diễn tả được phần nào tâm tư ý nghĩ của mình lúc ấy, dù tâm tư ý nghĩ ấy vẫn còn rất nóng hổi. Họ bảo họ run lẩy bẩy, hết hồn hết vía, nói không ra lời vì sợ hãi. Đọc thoáng qua, kết luận thông thường vẫn cho rằng phản ứng ấy tiêu cực và tự hỏi không biết tại sao họ lại sợ hãi vì một tin vui có một không hai ấy.

Nhưng nếu đọc kỹ, ta thấy phản ứng ấy không những không tiêu cực nhưng là thái độ của những người đứng trước một thực tại diệu kỳ ở chỗ “thế gian không thể hiểu” như một tựa đề của Du Tử Lê, hay như Thánh Phaolô nói “những điều khôn tả mà loài người không được phép nói lại”.

Ta nên xem kỹ hai mệnh đề (16:8) trong đoạn này: Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía (Tiếng Hy lạp: ekstasis). Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi (tiếng Hy Lạp, phobeo)”. Các bản dịch Thánh Kinh đều dịch đại cương như thế. Thiết tưởng nên chú ý đến các từ ngữ Hy Lạp được chua trên đây. Theo W.E. Vine, trong “An Expository Dictionary of New Testament Words” (1), dịch phobeo là sợ hãi không hẳn sai, vì động từ này quả có nghĩa là sợ hãi, như trong Cv 23:10. Nhưng nó cũng có nghĩa như kính sợ, kinh ngạc (awe, amazement) theo nghĩa tôn giáo của cung kính, thờ kính và kính phục (reverence, worship and pious obedience).Vine trích dẫn nhiều đoạn Thánh Kinh trong đó, phobeo được dùng theo nghĩa này như Cv 10:2, 22; 13:16, 26; Cl 3:22; 1Pr 2:17… Câu trước dịch là “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía” không hẳn đã chỉnh. Run thì có, nhưng lẩy bẩy là thứ run tiêu cực. Còn hết hồn hết vía để dịch chữ ekstasis thì không hẳn đúng, vì từ chữ ekstasis ta có chữ ecstasy của tiếng Anh, có nghĩa mạnh nhất chỉ tình trạng quá vui đến xuất thần, quên cả thực tại chung quanh, nhẹ nhất cũng là kinh ngạc (amazed), một tình trạng tích cực chứ không tiêu cực chút nào. Mấy người đàn bà này làm sao sợ hãi cho được khi họ khám phá ra điều kỳ diệu: Chúa Giêsu đã sống lại! Sự thật ấy chỉ có thể làm họ vui ngất! Tiếc rằng Bản Phổ Thông cũng như Bản Tân Phổ Thông (Nova Vulgata) đều nghiêng về nghĩa tiêu cực: Et exeuntes fugerunt de monumento; invaserat enim eas tremor and pavor, et nemini quidquam dixerunt, timebant enim. Tuy nhiên, phúc âm Mátthêu (28:8) cho hay: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay”. Sợ thì ít mà vui mừng thì “rất đỗi”. Chú giải phúc âm Mátthêu, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho hay: “sự sợ hãi của các bà phải coi như là một phản ứng có ý nghĩa thần học hơn là tâm lý: một cảm nghiệm siêu nhiên về cuộc thần hiện, một sự gặp gỡ Thiên Chúa” (Bốn Sách Tin Mừng, tr.129).

Hàn Mạc Tử “ớn lạnh”
Thiển nghĩ, nên lấy cái ớn lạnh và run sợ của Hàn Mạc Tử, trong bài Ave Maria, bài thơ đã đem nguồn linh hứng của Kitô Giáo vào nền thi ca chính dòng của Việt Nam, mà hiểu cái run sợ của các phụ nữ trong Máccô:
Maria linh hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến!

Người em ruột của Hàn Mạc Tử là Nguyễn Bá Tín cho rằng khi viết những câu thơ bất hủ này, Hàn Mạc Tử còn rùng mình nghĩ tới biến cố “súyt chết” của mình bên bãi biển Qui Nhơn mà ông vốn coi là nhờ Đức Mẹ mà ông sống thoát (coi Hàn Mặc Tử Anh Tôi, trong tủ sách Dũng Lạc). Rất có thể người em này hiểu anh ruột hơn ai hết. Nhưng thực ra, không ai biết rõ Hàn Mạc Tử muốn nói gì qua chữ “ớn lạnh”. Chữ ấy hiển nhiên để mô tả một phản ứng kỳ diệu trước điều “khôn tả” như kiểu nói của Thánh Phaolô. Nếu ông quả có thấy Đức Nữ Đồng Trinh, người mà ông luôn khẩn cầu tha thiết, người đã cho ông cảm hứng huyền diệu để viết lên những dòng thơ trác tuyệt không những củng cố địa vị thi sĩ có một không hai trong lịch sử thi ca Việt Nam mà còn lên vương miện cho ông trong làng thơ Công Giáo, thì cái ớn lạnh theo nghĩa thông thường không thể có được mà phải là cái ớn lạnh đi đôi với và bị cái “thấm nhuần ơn trìu mến” vượt qua. Phải chăng đó là trạng thái vừa sợ vừa mừng như Mátthêu hay phobeo và ekstasis của Máccô? Mừng vì được diện kiến Mẹ Hiền. Sợ là sợ Mẹ lung linh quá đến có thể biến thành mây khói, mất dạng khỏi thị kiến con, biết đến bao giờ được nhìn lại? Vả lại, nếu “linh hồn tôi ớn lạnh” có hơi hướm đôi chút tiêu cực, thì câu sau “run như run thần tử thấy long nhan” và nhất là “run như run hơi thở chạm tơ vàng” không hề có nét nào tiêu cực mà chỉ là cái run sung sướng của một thần tử thấy long nhan, một Đấng Nữ Vương ông “thấm nhuần ơn trìu mến”, nhưng chỉ sợ Ngài biến mất, hay không xứng đáng với Ngài như hơi thở chạm tơ vàng. Thiển nghĩ không còn chiêm niệm thần bí nào cao siêu hơn thế, một chiêm niệm thần bí trong truyền thống Máccô.

Tuy nhiên, trong cái say sưa ngây ngất được chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa, hình như thi sĩ quên khuấy hết mọi khung cảnh huyền nhiệm chung quanh nhất là khung cảnh huyền nhiệm bên trên. Không như Kinh Kính Mừng, trong bài thơ này không một chữ nào nhắc đến nguồn cội sự cao cả của Đức “Nữ Đồng Trinh”, của “Đấng tinh tuyền thánh vẹn”. Có chăng là “song lộc triều nguyên”, là “Sao Mai chiếu rạng”. Sao Mai vẫn được coi là báo hiệu Mặt Trời. Thi sĩ không ngần ngại tiến gần đến tâm thức của Goethe trong Faust coi Đức Maria như nữ thần (2), sinh ra đã bằng thần (3). “Run như run thần tử thấy long nhan”. Rõ ràng đặt một phương trình cân bằng với thái độ cung kính của tạo vật trước Vua vũ trụ, Đấng Hóa Công. Không lạ gì ông ca tụng Đức Mẹ bằng nhiều tước hiệu cân bằng với Thiên Chúa: “giầu muôn hộc từ bi”, “rất nhiều phép lạ”, “Bắc Đẩu rạng bình minh, Chiếu cùng hết, khắp ba ngàn thế giới” . Thực ra, tước hiệu Mẹ Nhân Lành hay Mẹ Từ Bi (Mater Misericordiae) vốn là tước hiệu trên môi miệng từ giáo hoàng trở xuống hàng giáo dân khi họ đọc Kinh Lạy Nữ Vương hàng ngày. Nhưng nhiều phép lạ? Đây cũng là một kiểu nói tắt rất bình dân nhưng rất dễ phiếm thần nếu quả Hàn Mạc Tử được thị kiến Đức Mẹ. Không ai làm phép lạ, ngoại trừ Thiên Chúa, trong đó có Thiên Chúa làm người. Không lạ gì khi Nguyễn Bá Tín thưa truyện này với linh mục Labisusse, cha xứ Nhà Thờ Qui Nhơn, liền bị ông quở: chỉ nói bậy, Đức Mẹ đâu có làm phép lạ. Hình như Nguyễn Bá Tín không hiểu hết ý lời vị linh mục này. Ông không quở về truyện Đức Mẹ hiện ra, mà quở vì gán cho Đức Mẹ khả năng làm phép lạ (4).

Xét cho cùng, xu hướng phiếm thần rất dễ chiếm ngự tâm hồn thi sĩ, một tâm hồn sẵn sàng
“…bay suốt một đời chưa thấu,
hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu,
trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”.

Nguyễn Khắc Dương “sợ điện giật”
Một người Việt Nam khác, sau Hàn Mạc Tử trên dưới nửa thế kỷ, cũng sáng tác một bài thơ cùng tên Ave Maria. Đó là Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương. Xin mạn phép được trích dẫn toàn bộ bài thơ này, theo tủ sách Dũng Lạc:
Ave Maria!
Mẹ đẹp dung quang mờ nhật nguyệt.
Mẹ hiền hương đức ngát trời mây!
Mẹ quyền phép cao sang,
Con phàm hèn cát bụi.
Mẹ trong trắng vẹn tuyền,
Con bùn nhơ tội lỗi.
Hai thái cực gần nhau,
Nên con nhìn lên Mẹ,
Nên Mẹ cúi nhìn con.
Ave Maria!
Mẹ là quỳnh giao vườn thượng uyển,
Con là lê thứ dám gần xa?
Nhưng Mẹ cũng là hoa cà hoa cải,
Vui mắt bầy mục tử rộn đồng quê.
Mẹ như hương cau quyện lòng người lữ thứ,
Bước đường xa ước hẹn ngày về.
Ave Maria!
Mẹ là đỉnh thái sơn vời vợi,
Tuyết băng ngàn chân phàm tục dám in lên?
Nhưng Mẹ cũng là tàu cau nhánh trúc bên đình,
Như gốc đa giãi bóng, như mái lầu lối cũ,
Khách bộ hành dừng bước: ngụm chè xanh.
Ave Maria!
Mẹ là ngôi sao Bắc Đẩu rạng trời khuya.
Nhưng! Mẹ cũng là ánh đèn le lói
Trong gian nhà thấp hẹp bác nông phu.
Ave Maria!
Mẹ, Ngôi Trời vinh hiển,
Cả Thiên đình quỳ lạy tung hô.
Nhưng Mẹ cũng là người thôn nữ bên cầu vo gạo,
Bên bếp lửa vùi rơm,
Giữa chợ đời trưa sớm.
Ave Maria!
Mẹ là chiếc mâm vàng đôi đũa ngọc,
Con là rau hèn cỏ mọn tiến dâng lên,
Và cỏ mọn rau hèn nên đẹp mắt
Đấng muôn trùng đoái nhận đời con.
Ave Maria!
Trái tim Mẹ là chiếc thuyền bát nhã,
Vớt hồn con phiêu dạt bến trầm luân.
Trái tim Mẹ là trùng dương bát ngát,
Nơi chảy về muôn suối lệ của trần gian.
Trái tim Mẹ là ngọc tuyền lai láng,
Nước cam lộ ướp dịu mảnh hồn đau.
Ave Maria!
Trái tim Mẹ là nguyện đường mầu nhiệm,
Nơi hồn con chiêm ngưỡng
Chúa tình yêu.
Amen.
Không dài bằng Ave Maria của Hàn Mạc Tử, không nhiều điển tích bằng, không “huyền bí” bằng, vì tác giả vốn tự hào coi mình là đồ đệ của Blaise Pascal, người bao giờ cũng có cái nhìn cân bằng của những “ni ange ni bête” tiêu cực thì là không thiên thần không thú vật, tích cực thì là vừa thiên thần vừa thú vật. Như thế Đức Mẹ vừa cao vừa thấp, Đức Mẹ vừa hơn con vừa là như con.

Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, khoa trưởng khoa triết tại Đại Học Đà Lạt trước năm 1975 luôn luôn là con người như thế: là nho sĩ không đủ, ông muốn là Kitô hữu, nên đã là người duy nhất trong một danh gia nho học, dứt khoát gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chỉ có điều, khi đã gia nhập Giáo Hội ấy rồi, một Giáo Hội ông coi không hoàn hảo gì, gồm đủ hầm bà lằng xí cáu “y như số người hành khất tật nguyền bên lề vệ đường, bỗng được gọi vào dự tiệc cưới, như trong bài ngụ ngôn mô tả Nước Trời vậy.” (5), ông không bao giờ nhìn lui, dù được người anh ruột mời cùng từ Pháp trở về Miền Bắc “phục vụ”. Anh ruột ông chính là đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp và là nhà văn hóa lớn của Miền Bắc, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, giám đốc nhà xuất bản Ngoại Văn, giải thưởng Grand Prix de la Francophonie của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp, tác giả Việt Nam, Một Thiên Lịch Sử, huân chương Độc Lập hạng nhất, giải thưởng Nhà Nước của Chủ Tịch Nước, được chôn tại Nghĩa Trang Mai Dịch, dành cho những người có công đầu với đất nước.

Suốt cuộc đời, sau khi chấp nhận Chúa Kitô, ông “phát nguyện thầm dâng trọn cuộc đời cho Ngài, yêu mến tất cả mọi người trong Ngài, như Ngài, và nhờ Ngài….” bằng con đường tu trì, từ hết Phan Sinh qua Biển Đức, và cuối cùng thành nhà cư sĩ (oblat), không hẳn một “moine défroqué” mà là một “moine manqué” lỡ chuyến như lời ông nói. Nhưng lúc nào cũng hân hoan trong Đức Kitô dù là sau khi ra khỏi Trại Cải Tạo năm 1976, mất cả nghề dạy mà ông rất thích. Các dấu mốc 1945, 1963 và 1975 được ông coi là những dấu mốc hồng ân, không phải là những khúc rẽ đưa mình vào ngõ cụt. Ông mến Đức Mẹ vì Đức Mẹ gần gũi với ông, coi ông như một con người và nhất là một con người duy nhất, theo nghĩa người yêu đối với người yêu, không yêu chung chung như Quán Thế Âm đối với chúng sinh, dịu hiền đấy, nhưng không đồng hành với ông qua suốt cuộc đời chìm nổi của một con người nhận cả Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca làm thầy “và nhất là Thầy Chí Thánh Giêsu” (6).

Ông chưa bao giờ tự hào được diễm phúc hưởng bất cứ thị kiến nào, nguyên tuyền chỉ là một niềm tin đơn thuần, một niềm tin mà lúc đang tìm hiểu Đạo, được ông ghi nhận: “Chứ lúc ấy tôi vừa thấy thích thú, vừa bị thu hút, vừa thấy sợ như sợ đụng vào phải giây điện cao thế! Khi nhìn lên tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tôi thấy có sự thu hút mãnh liệt, nhưng đồng thời có cái gì rờn rợn, khiến mình phải ở vào thế đề phòng bị điện giật”. Cảm giác ấy, ông không tìm thấy nơi Thích Ca : “Trái lại với không khí êm ả, thanh thản, điềm nhiên lắng đọng của tượng Phật trong một ngôi chùa”. Ông còn nói đến cảm giác rờn rợn này nhiều lần trong cuốn tự thuật của mình. Như khi nói về người Công Giáo, ông viết: “tiếp cận với giới Công giáo vừa có cái gì làm mình bị hấp dẫn, vừa có cái gì làm mình ngài ngại, đôi khi thấy rờn rợn như thể đến gần cầu giao điện cao thế! Thế giới Phật giáo có hiền hòa mát dịu, thế giới Công giáo có cái gì gay gắt, cường bạo. Xét cho cùng, tôi không tìm sự thoải mái hơn là được tiếp cận với một Người đang hiện diện và tác động ‘hic et nunc’" (ở đây và bây giờ).

Dù không phải là nhà huyền nhiệm, giáo sư Nguyễn Khắc Dương quả đã có cùng một kinh nghiệm huyền nhiệm như những vị thánh nữ trong Máccô, như người đồng đạo của mình là Hàn Mạc Tử. Thiển nghĩ đấy là gia tài giầu có nhất của một người hiện vui với mấy luống rau ở đâu đó Bình Triệu, Sài Gòn, mặc cho người em ruột Nguyễn Khắc Phê chỉ trích ông nặng lời trong tiểu thuyết “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đường” vừa mới xuất bản tại Hà Nội. Tựa đề đó chính là lời người mẹ nói với Tâm (tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, chỉ về Giáo Sư Dương vì Lê Tâm, vốn là bút hiệu của Giáo Sư) khi Tâm xin phép thầy mẹ gia nhập đạo và đi tu. Lời ấy vốn trích từ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Có thể Phê cho ông không đạt, chẳng vào địa ngục nhưng cũng chẳng thấy thiên đường, vì đời ông cho đến nay là một con số không vĩ đại đối với anh. Không vợ không con không sự nghiệp. Con số không ấy ông chờ đợi cả đời mới có, nó là cái giốc hết, trống trơn, ông cần phải có để được cái no đầy của ơn thánh, như chính lời ông viết trong cuốn tự thuật. Phục Sinh này, xin ngả mũ chào một người bạn quí, nhờ anh, tôi thấy Chúa Giêsu quả đã sống lại thật trong tôi, một người tin nhận Người từ lúc mới sinh, một lần nữa.

Ghi chú
(1) Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1984
(2) Faust, 12102-3
(3) Faust, 112009-12
(4) Hàn Mạc Tử Trong Cõi Riêng Tư, tủ sách Dũng Lạc
(5) Trích theo Đỗ Tấn Hưng, Những Nẻo Đường Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương
(6) Tài liệu vừa dẫn

Phòng Xem Video Và Chiếu Phim Cuối Tuần

Danh Mục Phim và Video
Video Cựu Sao Biển Vol 1 Video Cựu Sao Biển Vol 2 Hoàn Châu Cát Cát Phim Nhật, Hàn Quốc, Trung Hoa Người Nữ Tu Hát Thánh Ca Cải Lương

Truyền Thanh, Truyền Hình Trực Tuyến - Live Online TV
FRANCE 24 BBC News Night CNN Breaking News BBC Vietnamese

Visits since January 23, 2010 :
Free Hit Counter